Thú chơi những loại quả “độc” như bưởi bàn tay phật, củ cải đỏ… ngày càng thu hút nhiều người. Tuy nhiên, nhiều người chơi nhưng không biết được ý nghĩa của những loại quả này.
Bưởi Cát tường
Những trái bưởi có hình bàn tay chắp lễ được gọi là bưởi bàn tay phật hay bưởi Cát Tường. Đây là một trong những sản phẩm độc đáo được tung ra trên thị trường Tết Ất Mùi 2015, được dự đoán sẽ cạnh tranh với quả Phật thủ.
Được biết, mô hình trồng loại bưởi này là sự kết hợp của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Để đưa bưởi bàn tay phật ra ngoài thị trường, một doanh nghiệp đã mất hơn 2 năm mày mò nghiên cứu mẫu mã mới.
Bưởi bàn tay phật được săn đón trong Tết Ất Mùi 2015.
Được làm từ giống bưởi Năm Roi không hạt của người dân miền Tây, khác với các dòng bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng… trái bưởi lễ được tạo hình dựa trên khuôn định hình trái cây 3 chiều, cho hình dáng bàn tay Phật ôm vào trái một cách mềm mại, tự nhiên, mang ý nghĩa tâm linh chắp tay lạy 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
Mỗi trái bưởi được tung ra thị trường để tối đa 8 tuần (nhiệt độ thường) mà vẫn đảm bảo chất lượng, ruột bưởi có thể ăn được. Theo thông tin được công bố từ đơn vị trực tiếp trồng và phân phối sản phẩm, mỗi quả bưởi này có giá 600.000 đồng.
Củ cải đỏ tượng trưng cho sự đủ đầy
Từ món ăn nhiều dinh dưỡng, nhờ có màu đỏ, hình dáng ý nghĩa, củ cải đỏ đã trở thành loại cây cảnh tượng trưng cho sự viên mãn, may mắn và có giá bán cả trăm nghìn đồng.
Khảo sát tại phố cây cảnh Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội, loại cây vừa ăn được, vừa chơi được này có nhiều mức giá khác nhau, phụ thuộc vào hình dáng độc, lạ, kích cỡ mỗi củ hoặc chậu đơn hay chậu kép.
Củ cải đỏ là thú chơi mới của nhiều gia đình trong dịp Tết.
Một chủ cửa hàng cây cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám cho biết: Thú chơi củ cải đỏ không phải năm nay mới có, tuy nhiên, đây vẫn là thú chơi mới. Năm nay, củ cải đỏ có kích cỡ to hơn nhiều, màu sắc đỏ thắm, bóng đẹp hơn, chùm lá trên củ cũng được chăm sóc tỉa tót kỹ hơn nên vẫn hấp dẫn người mua.
Được biết, củ cải đỏ giá không quá cao, khoảng 200.000 – 300.000 đồng/củ đơn và được khá nhiều gia đình có điều kiện đặt mua về làm chậu cảnh phong thủy bày Tết” – anh Quang chia sẻ.
Tuy nhiên, củ cải đã trồng để làm cảnh sẽ không thể tiếp tục chế biến làm thực phẩm bởi chỉ xét riêng về hàm lượng dinh dưỡng, củ quá lứa đã bị xơ hóa, dinh dưỡng cũng đã bị chuyển hóa, không thể ăn được nữa.
Dưa hấu hồ lô
Dưa hấu hồ lô khắc chữ tài, lộc là loại quả “độc” được nhiều khách hàng thích thú và lựa chọn để thờ Tết. Theo quan niệm Á Đông, bắt đầu năm mới, ai cũng muốn một năm phát tài phát lộc. Vì vậy, hai chữ tài và lộc mang nhiều ý nghĩa với mọi người.
Dưa hấu hồ lô mang ý nghĩa tài lộc, an lành.
Theo phong thủy những vật thể có hình hồ lô rất tốt cho sức khỏe, hạnh phúc và thành công cho gia chủ, làm ăn thịnh vượng, vợ chồng hòa thuận, cuộc sống gia đình hài hòa, sung túc. Bởi vậy, dưa hấu hồ lô mang ý nghĩa tài lộc, an lành.
Được biết, để tạo ra dưa hấu hồ lô phải chọn giống dưa vàng. Quy trình tạo ra dưa hấu hồ lô khá cầu kỳ. Trong quá trình tạo hình, nếu bất cẩn, trái dưa đó coi như bị hỏng. Thời gian ra trái đến khi thu hoạch ngắn nên khi tạo hình phải nhanh và khéo léo.
Đặc biệt, dưa phải trồng theo lối truyền thống để có thời gian sử dụng lâu, không bị úng, thối nhanh. Trong quá trình trồng, dưa hấu hồ lô rất hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân hữu cơ là chính.