Những ngày cuối cùng của tháng 4 đang dần rộn ràng với nhiều chương trình dành cho dịp lễ lớn 30/4. Hãy cùng điểm qua những hoạt động vui chơi, giải trí thú vị sẽ diễn ra tại TPHCM để có sự lựa chọn phù hợp nhé!
Sài Gòn lễ… Đi đâu?
Nổi bật trong số các sự kiện có thể nhắc đến màn trình diễn pháo hoa sẽ diễn ra vào tối 30/4, kéo dài trong 15 phút từ 22h00 đến 22h15. Theo đó, người dân có thể đón xem tại 7 địa điểm đã được công bố gồm: khu vực tòa tháp Bitexco – Q.1, Công viên Lịch sử – Văn hóa Dân tộc Q.9, Khu tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng – Hóc Môn, Công viên Văn hóa Đầm Sen – Q.11, Khu Di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò -Bình Chánh, Đền Bến Dược – Củ Chi, Sân bóng đá Cần Giờ. Tuy nhiên, cần lưu ý, người xem sẽ không được tập trung trên các cây cầu xung quanh các điểm bắn pháo hoa để bảo đảm an toàn nhất có thể.
Năm nay, dịp lễ 30/4 kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước trùng với dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Vì vậy, các hoạt động lễ hội cũng diễn ra liên tiếp nhau. Người dân có thể đến dự lễ dâng hương các vua Hùng vào ngày 10 tháng 3 âm lịch (tức 28/4) tại Thảo Cầm Viên – Q.1 hoặc Công viên Văn hóa lịch sử dân tộc – Q.9, Công viên văn hóa Suối Tiên. Hoạt động ý nghĩa này được diễn ra mỗi năm với sự tham dự của hàng nghìn người dân sinh sống tại TPHCM.
Song song đó, các chương trình văn hóa nghệ thuật sẽ được diễn ra dàn trải tại các công viên trung tâm của thành phố từ ngày 29/4 đến 2/5. Người dân có thể tham gia vào chuỗi lễ hội với chủ đề “TPHCM – Hòn ngọc toả sáng” tại các công viên 30/4, 23/9, Chi Lăng, Gia Định; Khu du lịch Văn Thánh… Lễ khai mạc sẽ diễn ra tại sân khấu trước Nhà hát thành phố với chủ đề “Hội ngộ” vào tối 29/4.
Vào đúng đêm 30/4, đêm văn hoá nghệ thuật dân gian và biểu diễn nghệ thuật đường phố, diễu hành xe hoa… sẽ diễn ra tại khu công viên 30/4. Ngày 1/5, chương trình biểu diễn áo dài “Tự hào” cũng sẽ được diễn ra tại khu vực này. Cuối cùng, lễ bế mạc sẽ được tổ chức trong không gian của sân khấu nhạc nước và ánh sáng laser trên đường Lê Duẩn vào đêm 2/5.
Một điểm tham quan thu hút đáng kể trong dịp lễ năm nay là khu Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ. Với không gian lung linh của ánh sáng và rộn ràng của nhạc nước, công trình sẽ chính thức được đưa vào sử dụng đúng dịp lễ 30/4 như một món quà ý nghĩa dành tặng cho người dân thành phố. Dự kiến, đây cũng sẽ là khu vực tập trung rất nhiều người đón xem màn trình diễn pháo hoa sẽ diễn ra tại khu vực của tòa tháp Bitexco.
Nhạc nước tại Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ .
1. Khu Du lịch Bình Quới – Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Khu Du lịch Bình Quới nằm trên bán đảo Thanh Đa bên bờ sông Sài Gòn, cách trung tâm thành phố 8 km về phía Bắc.
Đến Làng Du lịch Bình Quới, với 2 khu du lịch Bình Quới 1 và Bình Quới 2, du khách như lạc vào một làng quê thanh bình, cảm nhận đầy đủ về một không gian xanh tươi, gió thơm mùi cỏ cây hoa lá, đèn lồng dọc lối vào, hồ nước lấp lánh ánh hoa đăng.
Với diện tích trên 3,5ha, tọa lạc bên sông Sài Gòn, mặt bằng rộng,không khí thoáng mát trong lành khu du lịch Bình Quới như một bức tranh toàn cảnh mang đậm nét dân dã, mộc mạc của làng quê Nam Bộ hiền hòa.
Bình Quới 1 đã gắn liền với những lễ hội văn hóa ẩm thực như: Khám phá văn hóa ẩm thực dân gian Việt Nam, Đất phương Nam, Hạt lúa quê tôi, Về quê ăn Tết, Hương vị quê nhà… Trong đó, đặc sắc nhất của khu du lịch Bình Quới 1 là buffet cuối tuần với chủ đề “Ẩm thực khẩn hoang Nam Bộ”.
Trong khi đó, cách khu du lịch Bình Quới 1 khoảng 400 m, khu du lịch Bình Quới 2 lại có khung cảnh như một resort thu nhỏ giữa lòng thành phố, phong cách hiện đại hơn, mang hơi thở của vùng biển nhiều hơn; có các dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, nghỉ ngơi, giải trí với 45 bungalow (kiểu nhà 1 tầng có xuất xứ từ Ấn Độ) ven sông đủ tiện nghi, hệ thống nhà hàng, hồ bơi, sân tenis, ca nô, phòng họp, chương trình ca múa nhạc dân tộc.
2. Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên
Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên là một khu liên hợp vui chơi giải trí tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.
Kiểu cách kiến trúc và các thể loại vui chơi được gắn lồng vào các hình ảnh lịch sử và truyền thuyết Việt Nam như Lạc Long Quân – Âu Cơ, Vua Hùng, sự tích trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh, sự tích bánh chưng bánh dày, sự tích quả dưa hấu, chín tầng địa ngục, tứ linh hội tụ Long – Lân – Quy – Phụng, công viên giải trí dưới nước, đặc biệt là biển Tiên Đồng, biển nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam (hiện nay có biển nhân tạo tại khu du lịch Đại Nam Văn Hiến).
Đây là địa điểm thu hút khá lớn lượng khách vui chơi giải trí của Thành phố Hồ Chí Minh và các du khách địa phương khác đến.
3. Khu nhà thờ Đức Bà – Quận 1, TP.HCM
Nhà thờ Đức Bà là nhà thờ có quy mô lớn, cổ xưa và độc đáo nhất thành phố. Lúc xây dựng, toàn bộ vật liệu xây dựng nhà thờ này đều được mang từ Pháp, gạch ngói Marseille, kính màu và khung sườn thép kết hợp với đá xanh.
Đến khu vực này, bạn không chỉ “săn” được những tấm ảnh đẹp, cà phê bệt trò chuyện với bạn bè mà còn được nhấm nháp những món ăn vặt nóng về ban đêm.
Lấy nhà thờ Đức Bà làm trung tâm, các địa điểm vui chơi của khu vực này gồm Diamond Plaza, Kumho, đường Đồng Khởi, hồ con Rùa, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tôn Đức Thắng…
4. Chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành là một trong những địa điểm tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong nhiều trường hợp, hình ảnh khu cửa nam ngôi chợ này được xem là biểu tượng của thành phố.
Được xây dựng vào năm 1870, chợ Bến Thành có tên gọi ban đầu là Les Halles Centrales, trước khi được đổi tên thành Bến Thành vào năm 1912. Chợ Bến Thành được xây dựng theo kiến trúc nhà lồng có bốn cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng với các mặt hàng đặc trưng. Chợ có gần 1500 sạp hàng, là nơi buôn bán của gần 6.000 tiểu thương.
Không chỉ là một biểu tượng văn hóa, điểm tham quan phải đến của du khách khi có dịp đến thăm Sài Gòn, chợ Bến Thành còn là nơi bạn có thể tìm thấy gần như hầu hết mọi thứ từ thông dụng đến hiếm có, từ bình dân đến cao cấp như thực phẩm, quần áo, trang sức, vật dụng, gia vị, quà lưu niệm, đồ điện tử… với chất lượng tốt.
5. Dinh Độc Lập (Q1, TP.HCM)
Dinh Thống Nhất hay Dinh Độc Lập là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Sài Gòn. Năm 2009, Dinh Thống Nhất được định xếp hạng là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước. Vào dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, đây sẽ là một trong những địa chỉ tham quan thú vị của TP HCM cho du khách.
Được khởi công ngày 1/7/1962, khánh thành ngày 31/10/1966, Dinh Thống nhất được xây trên nền của Dinh Toàn quyền Đông Dương (còn gọi là Dinh Norodom do người Pháp thiết kế vào năm 1868). Công trình được xây dựng trong khuôn viên rộng 12 ha, diện tích sử dụng là 20.000 m2, gồm 3 tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng và tầng hầm. Dinh có khoảng 100 phòng được trang trí theo phong cách khác nhau tùy vào công năng sử dụng.
6. Công viên văn hóa Đầm Sen – Quận 11, TP.HCM
Công viên văn hóa Đầm Sen cũng là một trong những địa điểm hấp dẫn dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5.
Đầm Sen là một trong những khu du lịch lớn đặc sắc nhất nước Việt Nam. Kiến trúc được kết hợp một cách hoàn mĩ nền văn hóa Đông-Tây và một chút vẻ đẹp thời La Mã. Ngoài những khu vui chơi, Đầm Sen còn có những nhà hàng, khách sạn và hàng chục các loại hình khác để phục vụ khách du lịch. Đầm Sen là nơi vui chơi giải trí rất hấp dẫn cho người trong và ngoài nước.
7. Thảo Cầm Viên – Quận 1, TP.HCM
Thảo Cầm Viên tọa lạc ngay trung tâm thành phố với những rừng cây nhiều năm tuổi cao to rợp bóng mát, nhiều bãi cỏ xanh. Đến nơi đây để thưởng thức bầu không khí trong lành với tiếng vượn hú, chim muông, cây tươi, hoa đẹp. Đây là địa điểm lý tưởng và thú vị để các bạn tổ chức một buổi picnic nhỏ cùng gia đình, bạn bè, cùng nhau tham gia các trò chơi tập thể.