Category Archives: Chuyện đường phố

Cách phân biệt cà phê thật và hóa chất, bắp rang

Làm thế nào để biết cà phê bạn mua về thực sự là loại cà phê thật? Và làm sao để phân biết đâu là một sản phẩm cà phê nguyên chất, cà phê thật tốt cho sức khỏe?

Bột cà phê nguyên chất rất nhẹ, có độ xốp mịn, tơi và rời.
Bột cà phê nguyên chất rất nhẹ, có độ xốp mịn, tơi và rời.

Cà phê là một loại hạt rất đặc biệt, và khác biệt, có thể dễ dàng phân biệt cà phê nguyên chất và cà phê giả, bột cà phê thật với bột của các loại hạt ngũ cốc khác. Để bảo đảm cho sức khỏe và khẩu vị thưởng thức cà phê đích thực của chính bạn, bạn cần ghi nhớ vài chi tiết căn bản về thuộc tính của hạt cà phê rang rất khác với các loại hạt rang khác và bột của chúng:

I. Phân biệt trước khi pha (tức nhận biết bột cà phê nguyên chất)

1. Khối lượng (hoặc thể tích) của bột cà phê rang bao giờ cũng lớn hơn khối lượng (hoặc thể tích) của bột hạt đậu nành (đỗ tương) và bắp (ngô) rang

Hạt cà phê có một đặc điểm khác hẳn các loại hạt khác là khi rang lên đến 1 nhiệt độ nhất định sẽ nở lớn và thể tích tăng từ 1,5-2 lần và trọng lượng giảm từ 20-30%.

Cho nên, bột cà phê thật luôn luôn có khối lượng riêng thấp hơn bột các loại ngũ cốc khác và từ đó thể tích (hay khối lượng) của 1 kg bột cà phê luôn luôn lớn hơn thể tích của bột các loại ngũ cốc rang. Dựa vào đặc tính nầy bạn có thể phân biệt ngay từ lúc đầu, dù chưa cần phải mở bao bì ra. Nếu có điều kiện so sánh, bạn cầm trong tay trong 2 bịch 500g, bịch nào chứa cà phê, (hay chưa tỷ lệ bột cà phê nhiều) thì sẽ nhiều đầy hơn, to hơn, khối lượng bột chứa bên trong nhiều hơn nên chúng ta có cảm tưởng bịch cà phê nguyên chất nhẹ hơn.

2. Độ xốp của bột cà phê

Nhìn theo cảm quan, bột cà phê nguyên chất rất nhẹ, có độ xốp , tơi và rời. Bột của hạt ngũ cốc khác thường dính lại, ít tơi bong hơn. Nếu bạn có 1 bịch cà phê nguyên chất và một bịch cà phê giả, bạn mở 2 bịch ra, lấy 2 chén nước, múc 2 muỗng bột của 2 bịch đổ lên mặt nước. Bột cà phê nguyên chất xốp nhẹ, có khối lượng riêng thấp, nên có khuynh hướng nổi lên trên, còn bột của các hạt ngũ cốc khác có khối lượng riêng lớn hơn , nên chìm xuống nhanh hơn.

Ngoài ra, hạt cà phê rang rất giòn, có cấu trúc sợi cellulose đồng đều, dễ vỡ và vỡ đều trong cối xay, nên bột cà phê xay ra có độ xốp, mịn tương đối đồng đều. Trái lại các loại hạt đậu, bắp rang, khi xay bột độ mịn không đồng đều nên không có độ tơi xốp như bột cà phê nguyên chất.

3. Độ ẩm của bột cà phê

Bột cà phê thật ít ngậm nước, đọ ẩm của hạt cà phê thật sau khi rang khá thấp. Bột các loại ngũ cốc khác thường giữ nước và có độ ẩm cao hơn. Hơn nữa, do hạt đậu và bắp không có mùi thơm, nên khi nhà sản xuất trộn các loại hạt này vào hạt cà phê chắc chắn sẽ làm 1 động tác kèm theo, đó là phun hóa chất, hương liệu cà phê tổng hợp, nhân tạo vào trước khi xay ra bột.

Do đó, bột cà phê pha tạp, không nguyên chất có vẻ ẩm ướt, thậm chí vón cục khi được tẩm nhiều caramen tạo màu, khác hẳn với bột cà phê thật rất khô và tơi xốp.

4. Màu của bột cà phê

Khi rang đến nhiệt độ và thời gian thích hợp…bột cà phê có màu nâu đậm. (Nếu hạt cà phê rang chưa đến nhiệt độ và thời gian nổ lần 1 thì bột có màu vàng sáng vị chua, và mùi nồng). Hạt bắp rang để độn vào cà phê thường có màu đen đậm. Vì thế trong nghề làm cà phê người ta đơn giản gọi bắp rang là “màu”.

Do thói quen người tiêu dùng đòi hỏi ly cà phê phải có màu đen, nên “màu” (bên cạnh caramen và cả chất tạo màu hóa học) được dùng để nhuộm ly cà phê. Mặt khác, hạt các đậu nành rang và xay ra bột có màu nâu đậm đục, ngã vàng đục, hoàn toàn không giống màu nâu đậm của bột cà phê thật. Nếu bạn nhìn thấy bột trong 1 bịch chứa có màu nâu đậm ngả vàng, thể tích nhỏ, nhưng cầm nặng tay là tỷ lệ đậu nhiều. Bột có màu đen thui thể tích cũng nhỏ là có trộn nhiều bắp.

5. Mùi của bột cà phê

Nếu quen thuộc, bạn không khó để nhận ra mùi thơm rất dễ chịu, hấp dẫn và rất đặc trưng của bột cà phê thật. Nhiều người vẫn bị lầm lẫn và đánh giá cao mùi của hương liệu hóa học được tẩm vào đậu, bắp bởi vì họ ít có dịp ngửi mùi cà phê bột nguyên chất. Bắp và đậu nàng cũng có mùi hơi tanh, theo cảm quan, nếu tinh tế một chút, bạn có thể nhận thấy khi ngửi. Bột đậu nành có mùi gắt, hòa quyện với hương liệu bốc lên một mùi thơm nặng nề chứ không dịu dàng như mùi nguyên thủy của cà phê rang.

II. Phân biệt khi đang pha (nhận biết trạng thái của bột cà phê thật khi gặp nước sôi)

Đây là điểm mà bạn rất dễ dàng nhận biết để phân biệt chính xác cà phê nguyên chất với cà phê độn hay bột của các loại hạt ngũ cốc khác. Như đã nhận định, do hạt cà phê được cấu tạo bởi cấu trúc sợi celluose và chứa rất ít tinh bột, nên thuộc tính đặc biệt của bột cà phê rang là rất tơi xốp, và chứa nhiều khoang không khi bên trong do cấu trúc cao phân tử, các sợi cellulose bị bẻ gảy dưới tác động nhiệt trong quá trình rang …nhan-biet-ca-phe-that-2

Khi bạn chế nước sôi 100 độ C vào phin chứa cà phê thật, lập tức bột cà phê sẽ nở phồng lên, sủi bột mạnh, thậm chí tràn ra cả ngoài phin. Nếu sau khi cho vài muỗng bột (khoảng 20-25g) vào phin, bạn chế nước sôi vào mà thấy bột trong phin không nở phồng lên, trái lại còn bẹp xuống , lịm xuống và bốc mùi thơm thì bạn biết chắc chắn trong phin nầy có rất rất ít cà phê. Trái lại, trong loại bột nầy có tỷ lệ phần trăm rất nhiều bột của các loại hạt khác được tẩm hương liệu nhân tạo nồng độ cao.

Bột bắp, bột đậu rang khi gặp nước sôi trở nên dẻo, dính và xẹp xuống do các loại ngũ cốc luôn có chứa nhiều tinh bột. Trái lại cà phê được cấu tạo bởi các hợp chất cao phân tử cellulose, chứa rất ít tinh bột. Quá trình rang hạt cà phê nở lớn, bên trong tạo ra các khoang không khí, gặp nước sôi, không khí bên trong nở lớn, làm sủi bọt bột cà phê và khiến bột cà phê thật trào lên trong phin. Đây là một hiện tượng rất dễ nhận ra.

III. Phân biệt sau khi pha (nhận biết nước của ly cà phê thật)

6. Màu của nước cà phê

Cà phê là một loại hạt khá kỳ lạ. Dù bạn rang nó đến nhiệt độ cao bao nhiêu, thời gian lâu bao nhiêu, và cháy gần thành than, rồi bạn xay ra bột và pha thành ly cà phê, thì màu nước của nó cũng không hề có màu đen thui, đen đục và đen đậm như thường nhìn thấy các ly cà phê ở phần lớn các quán.

Ly cà phê thật luôn có màu nâu từ cánh gián đến nâu đậm, khi cho đá vào sẽ có màu nâu hổ phách, một màu nâu rất trong trẻo. Để ra ánh nắng, nhìn ly cà phê đá có màu nâu sáng.

7. Độ sánh của nước cà phê

Khi pha, nước của ly cà phê thật có độ sánh hầu như không đáng kể. Trái với cà phê độn, nước của bắp và đậu rang vốn chứa nhiều tinh bột nên sẽ rất sánh, sánh đến dẻo quẹo. Các bà nội trợ vẫn hay dùng bột bắp trong nhà bếp vì tính chất này. Một số người tiêu dùng còn tự hào rằng mình là người hiểu biết về cà phê, cho rằng, ly cà phê ngon thì nước trong ly cà phê phải kẹo kẹo, bám trên thành ly và phải “ôm đá” và viên đá trong ly cà phê phải có màu nâu do nước cà phê song sánh, dẻo kẹo bám lấy đá. Nhưng điều đó chính là bằng chứng cho thấy trong ly cà phê ấy chỉ có rất ít cà phê mà toàn đậu nành rang. Đậu nành rang chứa nhiều tinh bột hiển nhiên là rất “ôm đá”. Cà phê thật không sánh dẻo và không “ôm đá”.

8. Mùi thơm của ly cà phê pha

Cà phê bột lẫn cà phê pha có một mùi thơm rất đặc trưng, rất quyến rũ. Tuy nhiên đây có thể là điểm bạn rất khó phân biệt nhất. Có thể nói bạn chỉ có thể phân biệt được mùi của ly cà phê nguyên chất với mùi của hương liệu hóa học khi bạn đã nhiều lần và thường xuyên uống cà phê nguyên chất. Nhiều loại cà phê bột điều đã được tẩm hương liệu. Hương thơm đích thực và nguyên thủy của cà phê không nồng nực, không thô bạo, không mạnh mẽ, nhưng dịu dàng, lưu luyến, thanh cao, tinh tế và sâu lắng, đôi lúc làm ngây ngất người yêu cà phê… Thật khó diễn tả, nhưng nếu quen với mùi cà phê nguyên chất bạn sẽ phát hiện ra mùi hóa chất tuy giả khá giống mùi cà phê nhưng vẫn là giả tạo, vẫn mang hương vị gay gắt, tuy mạnh mẽ, dai dẵng nhưng thô thiển và gây cảm giác nặng nề, không giống như mùi thanh cao của chính hạt cà phê đích thực…

9. Vị của cà phê

Cà phê khi rang với thời gian đủ và đạt đến nhiệt độ thích hợp sẽ cho chúng ta ly cà phê có vị đắng thanh xen lẫn vị chua nhẹ nhàng, rất tinh tế do yếu tố của các thành phần acid ẩn chứa đằng sau của vị đắng trong hạt cà phê. Thật ra, các giống cà phê ngon nhất trên thế giới thuộc dòng Arabica, có giá trị thưởng thức và giá trị thương phẩm hàng đầu đều có hậu vị chua thanh rất quyến rũ hòa quyện tinh tế với vị đắng tự nhiên. Tuy nhiên, do nhận thức không đúng, do truyền thống và do thói quen không thích đáng, phần lớn người Việt không nghĩ rằng cà phê có vị chua. Thậm chí một số không chịu chấp nhận một thuộc tính cố hữu, tuyệt vời của cà phê hảo hạng, đó là vị chua thanh quyến rũ của nó. Để đáp ứng với yêu cầu và thị hiếu về khẩu vị trái ngược lại với thiên nhiên, với tự nhiên nầy của người tiêu dùng, một số nhà sản xuất đã cố gắng làm cho cà phê mất đi vị chua thanh vốn có của nó bằng cách tẩm vào bột cà phê các loại hóa chất tạo đắng có gốc kháng sinh. Hậu quả, ly cà phê thường có vị đắng nhân tạo, tiêu diệt hẳn vị chua thanh quyến rũ của cà phê. Bạn nên tránh xu hướng đi tìm và nghiện vị đắng không tự nhiên đó, vì nó sẽ phá hủy khẩu vị chân chính của bạn về mùi vị đích thực của cà phê. Nhiều người được phục vụ “cà phê đậu nành” nhiều ngày nhiều tháng nên đã quen với vị đậm lè của đậu nành rang, e rằng sẽ chê cà phê nguyên chất không đậm đà. Thật ra, cà phê nguyên chất rất đậm đà hương vị, nhưng do khẩu vị cà phê của chúng ta đã bị phá hủy dữ dội. Chính khẩu vị uống cà phê đậm đặc từ đậu rang của chúng ta cũng đã được huấn luyện và xây dựng từ nhiều chục năm nay. Điều đó cho thấy khẩu vị có thể được điều chỉnh. Nếu hiểu biết các thuộc tính của cà phê, bạn sẽ không khăng khăng đòi ly nước đen thui, đậm lè, đắng ngắt của bột đậu rang cháy khét tẩm đủ mọi loại hương liệu bốc mùi thơm nồng nực. Bạn sẽ tự chọn cho mình khẩu vị đúng.

10. Bọt của cà phê: Bản thân nước pha cà phê khi đánh lên với đường cũng tạo ra 1 ít bọt màu nâu sáng trông rất đẹp. Nhưng có 1 số người tiêu dùng ngộ nhận và yêu cầu quá đáng về ly cà phê phải có bọt đẹp. Để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng hầu giữ khách và thu lợi nhuận, một số nhà sản xuất cho chất tẩy rửa bề mặt vào cà phê để tạo bọt. Vậy, bạn cũng cần biết cách phân biệt hai thứ bọt này. Nếu bọt mỏng tanh, có óng ánh màu cầu vồng, đánh lên đầy cả ly và rất lâu tan nhìn ly cà phê có vẻ khá đẹp thì chắc chắn đấy là bọt xà bông. Bọt cà phê tiêu biểu khá đồng đều về kích cỡ, đục hơn và trông “dày” hơn, nhưng mau xẹp xuống.

IV. Phân biệt cuối cung và thực hiện,rất thực tiễn, là trải nghiệm của chính bạn

Cuối cùng, rất thực tiển, là chính bạn, vào 1 ngày đẹp trời nào đó , bạn hãy bỏ chút thì giờ ra tiệm bán cà phê hạt đã rang mua vài lạng cà phê mộc. Khi mua bạn cần xem xét kỹ đó là cà phê hạt rang nguyên chất, mộc mạc, không trộn hạt gì khác và không tẩm các phụ gia nào khác. Mua xong, bạn nhờ xay ra bột. Đem về, sáng hôm sau, bạn tự tay, khoan thai, pha 1 ly cà phê. Pha xong, bạn đến ngồi 1 chỗ tỉnh lặng, bình yên. Trong cái không gian yên lành và tinh anh của buổi sáng, với tâm hồn thanh tịnh, bạn ngồi đó từ từ uống từng ngụm nhỏ cà phê nóng, nguyên chất… Rồi bạn sẽ biết cà phê đích thực là gì…. Đây là cách tốt nhất để mếm biết hương vị tinh khiết của cà phê.

Những câu chuyện nhỏ, có thật ở Sài Gòn

Ở Sài Gòn, thường giữ xe miễn phí ở mấy quán café, quán ăn, quán nhậu… Miễn phí là không thu tiền giữ xe, dĩ nhiên ở đâu cũng miễn phí.

Có những thứ, ở Sài Gòn, rất nhỏ, nhỏ quá không thành chuyện, nhỏ nhặt đến mức không ai để ý, ai cũng coi là chuyện lình bình hằng ngày, như nắng như mưa, như cái cây cụt ngọn như đèn đường vàng vọt lúc tối trời, nhỏ bé và nhẹ nhàng đâu đó như một tiếng một cái phủi tay, như lóc cóc tiếng mì gõ, như một vốc trái cây bốc thêm… Nhỏ lắm, vậy mà khi xa người ta mới nhớ, mới thương, mới lật đật ra vô coi ngó, thầm thỉ với mình, ủa ở đây hổng giống Sài Gòn, ủa vậy là mình nhớ Sài Gòn sao, kỳ vậy cà.

1. Ở Sài Gòn, thường khi dừng đèn đỏ ngã tư, nếu trời nắng người ta sẽ dừng ở bóng cây gần nhứt, cho dù cái chỗ dừng xe còn cách cái đèn đỏ chừng chục mét, mà không ai thấy phiền, xe sau nối xe trước, chen chúc trong cái bóng mát nhỏ nhoi đề chờ lao tiếp vào dòng người khi đèn xanh bật sáng, trong ầm ĩ tiếng động cơ phố xá, rồi cô gái ngồi sau bất chợt hỏi: “Cây gì bông tím đẹp ghê ta”, tiếng đáp từ một người đàn ông nào đó, xa mãi phía sau: “Bằng lăng”.

-hoa-bang-lang1

-hoa-bang-lang

2. Ở Sài Gòn, khi đừng đèn đỏ, nếu đường không quá đông, người ta vẫn luôn chừa một lối nhỏ, ngay bên phải sát lề, để dành cho những chiếc xe máy quẹo phải, nếu quên chừa thì người cần quẹo cứ nhích tới xin, hoặc một người khác tự động nhắc, bà con xích qua chút cho người ta quẹo phải, chỉ vậy thôi, chút nhường nhịn giữa phố phường lộn xộn, hổng ai nhớ, không ai làm ơn cho ai cũng không ai cần luật lệ làm chi, chỉ là một thứ vô hình, mà người ta hay gọi là, biết điều.

3. Ở Sài Gòn, khi đi ngoài đường lỡ làm rớt món đồ nào đó. V í dụ như cái nón, cái áo, cái mạng che mặt, cái cặp sách… mấy anh chở hàng làm rớt bịch hàng, nếu không sợ xe khác cán phải món đồ thì chỉ cần dừng lại, quay đầu nhìn về hướng món đồ mình làm rớt, rồi lát tự động có người đi sau lượm đưa lại, đôi khi đưa tận tay, cũng có khi vội vã người ta lấy cái chưn móc món đồ lên, chạy tới rồi đá qua cho bạn, y như làm xiếc, coi kỳ lắm.
Một thanh niên dừng xe, phụ cột đồ giúp cho một anh giao hàng bị đứt dây cột, giữa trời nắng đổ lửa buổi trưa Sài Gòn, Q.1 năm 2013.

 

Một thanh niên dừng xe, phụ cột đồ giúp cho một anh giao hàng bị đứt dây cột, giữa trời nắng đổ lửa buổi trưa Sài Gòn, Q.1 năm 2013. Ảnh: Đàm Hà Phú.

Cũng có khi bạn làm rớt mà không biết, người ta cứ lượm, rồi lạch đạch chạy theo để đưa cho bạn, nhiều khi món đồ không bao nhiêu nhưng mà bạn vui, vậy rồi người ta cũng tất tả đi, không kịp nhìn mặt bạn để nhận một nụ cười, một tiếng cảm ơn

4. Ở Sài Gòn, thường giữ xe miễn phí ở mấy quán café, quán ăn, quán nhậu… Miễn phí là không thu tiền giữ xe, dĩ nhiên ở đâu cũng miễn phí, mà Sài Gòn miễn phí có tặng kèm nha, kèm nụ cười, dù có thẻ hay không thẻ. Mấy anh bảo vệ giữ xe quán thường rất dễ thương, bạn chỉ cần chạy xe tới quán, đá chống rút chìa khóa cầm thẻ rồi cứ vậy lững thững vô quán, anh bảo vệ sẽ tự động dắt xe bạn, xếp vô hàng, khéo léo để không làm trầy xe bạn, nếu trời nắng anh kiếm tấm bìa che lên yên xe, trời mưa anh phủ bạt cho khỏi ướt, mà rủi có ướt, lát nữa dắt xe ra anh sẽ lau khô cho bạn.

Bạn ăn uống thoải mái nha, lúc bạn lục đục tính tiền thì anh bảo vệ nọ đã đẩy xe bạn ra khỏi hàng, cầm cái đuôi xe vừa cười vừa hỏi: “Anh Hai đi hướng nào để em dẫn”, bạn hất mặt hướng nào thì anh sẽ dẫn xe ra hướng đó, bạn đưa thẻ và đi, có dư tiền lẻ bạn cho anh năm ba ngàn, không thì thôi, hổng sao, có khi bạn cho người ta còn hổng dám nhận, vẫn tiễn khách vui vẻ: “Cảm ơn anh Hai ủng hộ, mơi mốt ghé nữa anh Hai”… Anh bảo vệ kiêm dẫn xe đó, lương cũng năm ba triệu, đứng ngoài nắng ngoài mưa, có cười một trăm lần một ngày, có dẫn mấy chục chiếc xe cũng không thêm mấy đồng bạc, đừng nghĩ người ta làm vì tiền mà mang tội.

5. Ở Sài Gòn, mấy người đi xe máy chở hàng nặng hay cồng kềnh, thường chở yên sau cột bằng dây, đa phần là xe ôm làm thêm việc giao hàng hoặc mấy anh chuyên lấy hàng ở chợ đầu mối, nhiều khi đi lặc lè ngoài đường mà có tới mấy chục người theo nhắc: “Em ơi tuột dây kìa”, “Ê sao nó nghiêng bên này dữ vậy mày”, “Anh ơi coi chừng rớt cái bịch bên này”… Rồi tỷ như rủi mà có tuột dây, có rớt hàng, thì tự động người ta dừng lại, khiêng lên xe phụ, tấp vô lề cột lại giúp… Chớ mình anh giao hàng sao làm được, nên người đi giao hàng ở Sài Gòn thường không sợ chở hàng nhiều, không sợ đi một mình, bởi có gì nhờ bà con người ta phụ.

Theo Đàm Hà Phú