Dịch chuyển bát hương khi lau dọn ban thờ gia tiên khi năm hết tết đến là việc tuyệt đối không được làm vì sẽ bất kính với tổ tiên và ảnh hưởng đến con cháu. Quan niệm này đúng hay chỉ là mê tín dị đoan?
Thờ cúng tổ tiên là nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam từ bao đời nay và đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của người Việt.
Có nên di chuyển bát hương khi lau dọn ban thờ vào những ngày Tết?
Thế nhưng, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều những trăn trở giữa niềm tin và sự mê tín. Ví như việc lau dọn ban thờ, sắp xếp lại bát hương cho sạch sẽ gọn gàng để chuẩn bị đón một năm mới đến, tiễn năm cũ qua đi là điều cần thiết. Nhưng nhiều người lại tin rằng việc dọn ban thờ phải kiêng kỵ rất nhiều việc như không được dịch chuyển bát hương vì điều đó là bất kính với tổ tiên, sẽ làm ảnh hưởng đến con cháu trong nhà. Vậy có nên tin rằng điều đó là đúng?
Để làm rõ vấn đề này, PV đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Tiến sĩ, giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn).
Theo ông quan niệm về việc dịch chuyển bát hương khi lau dọn ban thờ sẽ làm ảnh hưởng đến tổ tiên và không tốt cho con cháu trong nhà. Điều đó trong văn hoá tín ngưỡng có đúng không ạ?
Theo tôi, đó chỉ là thói quen của nhiều người và lâu dần họ coi đó là việc cấm kỵ nên tránh. Đó là mê tín dị đoan, chưa có một tài liệu sách vở nào có ghi chép về việc này. Thậm chí, trong tín ngưỡng, việc này cũng không đúng. Tuy nhiên, về mặt tâm linh, chúng ta vẫn nên tôn trọng thói quen đó của họ.
Việc có nên xê dịch hay không là tuỳ từng gia đình, đó là lựa chọn của từng người. Nhưng tôi nghĩ, người ta có thể thay được bát hương khi chúng bị hư hỏng hoặc quá cũ thì việc chỉ xê dịch vị trí để lau dọn thì chẳng có gì quan trọng.
Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, không được dịch chuyển bát hương khi dọn ban thờ là mê tín dị đoan
Nhưng nếu xê dịch bát hương mà Việt Nam có thể chế được tàu ngầm thì nên xê dịch. Còn không xê dịch mà cứ đói nghèo thì làm để làm gì. Một đất nước đói nghèo như nước ta mà cứ bám víu lấy những niềm tin hư ảo như vậy thì đến bao giờ mới phát triển được. Động tác xê dịch hay không cũng chẳng bảo lưu được truyền thống tốt đẹp gì cả cho dân tộc.
Vậy theo ông, việc lau dọn bàn thờ, bát hương cần lưu ý những gì để tránh những điều mê tín dị đoan?
Việc lau dọn bát hương, ban thờ gia tiên là việc nên làm vì nơi đó là nơi thắp hương cho tổ tiên cần được làm sạch không chỉ mang ý nghĩa về mặt tín ngưỡng mà nó còn ảnh hưởng đến vấn đề sức khoẻ của chính chúng ta vì đó cũng là một phần trong môi trường sống hàng ngày của các thành viên trong gia đình.
Không chỉ ở trong không gian gia đình mà trong các đển chùa, miếu mạo, không gian thờ tự công cộng, việc này cũng thường xuyên phải làm. Trong tín ngưỡng gọi là lễ “mộc dục” (lễ tắm rửa cho tượng). Việc này được diễn ra trong những không gian riêng như hồ bán nguyệt, bến nước riêng.
Còn lễ trong gia đình gọi là lễ “bao sái” (lễ tẩy rửa). Lúc này, người ta lau dọn sạch sẽ tất cả những vật thờ tự. Theo quan niệm cổ truyền, việc này là việc của đàn ông, nam giới trong nhà. Nhưng ngày nay, việc này thì phụ nữ hay đàn ông đều có thể làm được.
Trước khi tiến hành, nên thắp hương để “xin phép” ông bà tổ tiên. Đây là quan niệm thể hiện sự tôn trọng, kính hiếu với gia tiên kể cả khi họ đã mất. Đó là truyền thống tốt đẹp, nên duy trì.
Sau đó, tuỳ từng vật dụng thờ tự mà chúng ta có những cách vệ sinh, lau rửa phù hợp sao cho được sạch sẽ nhất. Nếu bát hương cần bỏ bớt chân hương và tàn tro thì có thể bỏ đi để tiện cho việc thắp hương những lần sau.
Một điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải làm việc này một cách thành tâm, nghiêm túc để thể hiện lòng thành kính với người trên để làm gương cho con cháu.