Hàng trăm cây quất với những chùm quả vàng ươm thi nhau “tạo dáng” trong những chiếc chum, chậu đủ loại. Sự độc đáo, mới lạ của các chậu quất này hiện rất hút khách.
Không trồng và tạo thế quất theo những cách thông thường, một chủ vườn quất ở Tứ Liên (Tây Hồ – Hà Nội) đã nghĩ ra cách trồng quất trong những chiếc chum và chậu bằng gốm đủ các kích cỡ, hình thù khác nhau.
Đã có rất nhiều khách đến xem và đặt mua.
Thay đổi cách trồng dẫn đến cách chăm sóc và tạo thế cho quất cũng công phu và khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lượng đất cho vào trong chum, chậu có hạn nên làm thế nào đủ chất dinh dưỡng cho cây cũng cần phải tính toán kỹ.
Ngoài ra, khâu tạo thế cũng rất phức tạp, không cây nào giống cây nào, mà phải tạo lựa theo hình dáng chum và chậu cho phù hợp. Chủ vườn này cho biết, phải làm được như vậy thì trông những chum, chậu quất nó mới có “hồn”.
Bà Trần Thị Phương Thư (44 tuổi, ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ – Hà Nội) – chủ vườn quất “có 1 không 2” kể trên cho biết, bà bắt đầu trồng quất vào trong những chiếc chum, chậu bằng gốm từ năm 2004. Thời điểm đó, gia đình bà Thư chưa có kinh nghiệm trồng nên quất chết rất nhiều. Nhưng sau vài năm đúc rút kinh nghiệm cộng với học hỏi qua tài liệu sách báo về cách trồng cây cảnh trong chậu, gia đình bà mang áp dụng với cây quất và từ đó “bắt” cây quất chịu “ở yên” trong những chiếc chum, chậu chật chội.
Những cây quất trở lên có “hồn” hơn khi chúng được trồng trong những chiếc chậu, chum ngộ nghĩnh
Bà Thư chia sẻ: “Thời điểm đầu quất chết nhiều lắm do chưa có kinh nghiệm. Sau đó, học hỏi qua sách báo, những người trồng cây cảnh trong chậu. Nên sau mấy năm mới có kinh nghiệm trồng, quất mới không chết nữa. Khi chúng sống được trong những chiếc chum, chậu chật chội đó. Chúng tôi mới bắt đầu tạo dáng lựa theo sự phát triển của cây và từng chậu khác nhau. Không cây nào giống cây nào, rất đa dạng về hình dáng và kích cỡ. Những cây nhỏ chỉ 2 đến 3 năm là bán được, còn những cây cầu kỳ hơn thì 3 đến 5 năm là cũng bán được”.
Bà Thư cho biết thêm, quất trồng trong chum, chậu khâu chăm sóc đòi hỏi rất cầu kỳ. Mỗi sáng bà phải cho từng cây “ăn” bằng một loại thuốc sinh học đặc biệt, nhằm đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây trong không gian chật chội ít đất đó. Ngoài ra, bên trên phải thiết kế mái che, nếu thời tiết mưa, rét phải che phủ cẩn thận.
Trò chuyện với chúng tôi ngay tại vườn quất, bà Thư vừa lật từng chùm quả vàng ươm để kiểm tra, vừa rôm rả khoe: “Chum này có giá 15 triệu, nhưng nhà tôi không bán, chỉ để cho thuê thôi. Cũng đã có người đặt thuê rồi. Đó là chum cao tiền nhất, còn trung bình cứ 2 đến 3 triệu/chum; thấp tiền nhất là 800.000 đồng. Ấy vậy mà vườn có 300 cây khách họ đã đặt hàng gần nửa rồi. Mà năm nay toàn khách lạ đến đặt thôi”.
Còn khoảng 1 tháng nữa mới đến Tết nguyên đán nhưng cả vườn quất nhà bà Thư cây nào quả cũng đã vàng ươm, trĩu quả. Bà Thư cho biết: “Quả cứ vàng ươm như này vài hàng tháng nữa. Đó là bí quyết nghề nghiệp chú ạ (cười). Khách mua về chơi Tết, nếu để trong nhà chỉ được 10 ngày thôi, sau đó phải mang ra nơi có ánh sáng mặt trời không cây sẽ bị héo và rụng lá
Tạo thế được như này đòi hỏi kỹ thuật rất công phu
Quất được trồng trong nhiều chậu, chum có kích thước và hình dáng khác nhau
Đã có rất nhiều khách đến xem và đặt mua.
Bà Thư đang chăm sóc cho chum quất đắt nhất vườn
Chum quất này có giá 15 triệu đồng, nhà bà Thư chỉ cho thuê chứ không bán
Bà Thư chia sẻ thêm, sở dĩ nhiều người thích chơi quất tết theo kiểu trồng trong chum, chậu vì nó phù hợp với nhiều không gian. Những nhà nào có không gian nhỏ hẹp, chỉ cần mua những chậu quất nhỏ để trong phòng khách là đã rất đẹp. Mỗi khách đến mua quất, bà Thư luôn nhiệt tình truyền đạt lại kỹ thuật chăm sóc để khách hàng giữ được chậu quất lâu hơn.